Tham dự hội thảo có Giáo sư Stanisław Mocek, Hiệu trưởng trường, Tiến sĩ Katarzyna Maniszewska và Đại sứ các nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan cùng gần 100 các học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên quan tâm.
Tại hội thảo, Đại sứ các nước ASEAN chia sẻ tổng quan về quan hệ ASEAN-EU và lịch sử hình thành hợp tác của hai tổ chức dựa trên 03 trụ cột kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội. Là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, các Đại sứ đánh giá cao sự hỗ trợ của EU với ASEAN trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là 02 chương trình (i) ASEAN – EU về Hỗ trợ Hội nhập khu vực và dự án Hỗ trợ hội nhập liên quan đến Thương mại (ARISE+); và (ii) Công cụ đối thoại khu vực EU- ASEAN tăng cường (E-READI), cũng như những hỗ trợ của EU với ASEAN trong đại dịch COVID-19. Các Đại sứ còn khẳng định trong tương lai, các bên không chỉ ký hết hiệp định thương mại tự do song phương giữa các nước ASEAN và EU mà còn xây dựng Hiệp định thương mại tự do giữa 02 khối.
Đại sứ Nguyễn Hùng cũng tiếp cận và chia sẻ một số ý tưởng về hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan với tư cách là thành viên của ASEAN và EU, nêu bật các thành quả hợp tác hai bên thời gian qua cũng như định hướng tương lai giữa hai nước trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 08/2022 và Hiệp định EVIPA sớm được thông qua; bày tỏ sẵn sàng kết nối và hợp tác với các đối tác từ Ba Lan và EU nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại và giáo dục. Đại sứ khẳng định là Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Vác-sa-va trong 06 tháng cuối năm, Việt Nam sẽ là cầu nối cho hợp tác giữa ASEAN và EU cũng như ASEAN và Ba Lan.
Cuối chương trình, các học giả và sinh viên tham gia hỏi đáp và đặt câu hỏi cho các Đại sứ, bày tỏ sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu hợp tác với ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng./.